Mùa Covid-19, học nghề gì dễ kiếm việc?

Ngày: 11/11/2021

Một trong những trăn trở lớn của học sinh đang đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn nghề nghiệp là học nghề gì để ra trường dễ kiếm việc, trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài.

Tại chương trình Hướng nghiệp nghề nghiệp và tư vấn tuyển sinh 2021, do Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM tổ chức mới đây, nhiều học sinh cuối cấp THCS bày tỏ ý định không tiếp tục học mà chuyển sang học nghề.

Điều các em lo lắng là dịch Covid-19 ảnh hưởng nhiều đến kinh tế, nhiều người thất nghiệp không biết phải học nghề nào để dễ kiếm việc.

Theo thống kê của một số công ty nghiên cứu thị trường lao động, trong năm 2020, khi dịch Covid-19 xuất hiện và kéo dài, có nhiều ngành nghề phát triển ổn định, thậm chí "hot" hơn bình thường.

Có thể kể các ngành như thương mại điện tử, điện lực, cấp thoát nước và xăng dầu, ngân hàng, viễn thông, y tế… Có một số nghề sơ cấp được cho là kiếm tiền tốt trong mùa dịch như nghề giao hàng (shipper); dịch vụ trông trẻ tại nhà…

Thạc sĩ Huỳnh Hoàng Cư - Hiệu trưởng trường cao đẳng Bình Minh Sài Gòn, cho rằng trong thời gian bùng phát dịch Covid-19, cả nền kinh tế bị ảnh hưởng, ngành nào cũng có cái khó riêng. Ông Cư khuyên các bạn học sinh khi lựa chọn ngành nghề không nên chạy theo giai đoạn.

"Hãy yên tâm lựa chọn ngành nghề mà mình có năng khiếu, yêu thích và mong muốn được gắn bó. Chọn nghề phù hợp với bản thân là chìa khóa cơ bản nhất để đến thành công, đừng chạy theo đám đông", thầy Cư khuyên.

Đồng tình với ý kiến này, ông Trần Anh Tuấn - Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, cho rằng: "Để chọn nghề để phát triển sự nghiệp, yếu tố quan trọng nhất là bản thân mình có phù hợp với nghề đó hay không, có làm tốt công việc đó hay không".

Theo ông Trần Anh Tuấn, không có ngành "hot" mà chỉ có con người "hot" trong ngành đó, người giỏi nghề. Khi họ trở thành ngôi sao, được chào đón, họ sẽ có đãi ngộ và thu nhập tốt, có động lực gắn bó với nghề suốt đời, cơ hội thành công, phát triển sự nghiệp cao hơn người khác.

"Nếu mình giỏi sẽ không có ngành nghề nào là không "hot". Một đầu bếp giỏi có thu nhập cao hơn cử nhân làng nhàng hàng chục, hàng trăm lần. Bởi họ trở thành ngôi sao, chuyên gia trong ngành của họ", ông dẫn chứng.

 

Một đầu bếp giỏi nghề có khi thu nhập cao hơn cử nhân làng nhàng hàng chục, hàng trăm lần

Ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh chỉ khi có năng lực nghề, các bạn trẻ mới bước vào thị trường lao động và thích ứng tốt, thành công. Không thể đòi hỏi học nghề xong, xã hội phải chuẩn bị sẵn vị trí phù hợp cho mình để mình làm việc.

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/mua-covid19-hoc-nghe-gi-de-kiem-viec-20210531171551667.htm

Còn theo thầy Huỳnh Hoàng Cư, quan trọng nhất là các bạn trẻ phải lựa chọn công việc phù hợp với bản thân mình, không nhất thiết tốt nghiệp THPT xong là phải lên Đại học; không nhất thiết tốt nghiệp THCS xong là tới THPT.

"Các em học sinh còn rất nhiều con đường để lựa chọn", thầy Cư nhấn mạnh.

Theo ông, hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện nay rất đa dạng, đảm bảo cho các em có thể học liên thông, học tập suốt đời. Học sinh tốt nghiệp THCS có thể học trung cấp nghề; hoặc học hệ 9+ ở trường cao đẳng, khi tốt nghiệp sẽ có bằng trung cấp lẫn bằng tốt nghiệp THPT để liên thông lên cao đẳng, thi vào đại học…

"Nên bỏ quan niệm học đại học mới là thành công, học cao đẳng là thất bại, học trung cấp là không ra gì. Vòng tròn luân chuyển của thị trường lao động quay liên tục, ai cho rằng mình có thể đứng mãi với một nghề thì sẽ thất bại.

Chỉ những người linh hoạt, thích ứng với sự luân chuyển đó mới dễ thành công", ông Tuấn đưa ra lời khuyên. 

Nguồn Dân Trí.

0914770056 Chat zalo